Bài 1: Quyết sách để phát triển nông nghiệp bền vững
Bài 2: Phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến
Đánh thức giá trị nông sản
Từ những cây chè cằn cỗi, không có giá trị kinh tế, một cuộc “cách mạng” nâng cao giá trị cây chè đã giúp hàng trăm gốc chè cổ thụ ở xã Hồng Thái (Na Hang) được đánh thức. Từ việc chỉ biết đến chè xanh như một thức uống thông thường, nay nhiều bà con ở Hồng Thái đã trở thành những sứ giả cho một giá trị mới. Người tạo ra sự thay đổi này là anh Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc HTX Sơn Trà.
Anh Phố chia sẻ, với mục tiêu nâng tầm giá trị chè Hồng Thái, anh đã tìm đến các cơ sở chè lâu năm tại Thái Nguyên, Hà Nội để học hỏi, mời những chuyên gia từ Hiệp hội chè về HTX để đào tạo kỹ thuật, hướng dẫn bà con nhân dân cách trồng, chăm sóc cây chè, thu hoạch chè sao cho đúng để cây chè luôn đạt sản lượng cao nhất. Mỗi lần chuyên gia đến giảng dạy, anh lại đúc rút thêm những kinh nghiệm quý báu. Sau nhiều năm tìm hướng phát triển, từ khi đổi mới tư duy và phương thức sản xuất, đầu tư nhiều máy móc hiện đại và thực sự nắm rõ bí quyết sản xuất chè Shan tuyết, chất lượng chè của Hợp tác xã Sơn Trà mới bứt lên.
Giá trị chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang) tăng cao nhờ nông dân đổi mới tư duy, tích hợp đa giá trị.
Từ sự hướng dẫn của anh, lần đầu tiên đồng bào Dao biết rằng, vẫn cây chè cổ thụ trăm năm đó, nhưng cách thu hái khác nhau sẽ chế biến được thành các sản phẩm trà khác nhau, đem lại giá trị cao gấp nhiều lần so với trước. 1 kg chè Shan tuyết Sơn Trà có giá lên tới 1 triệu đồng. Chè càng để lâu càng quý, càng tăng thêm giá trị. Cũng vì thế, người dân Hồng Thái giờ có thể tự hào khi chè đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn làm quà biếu Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2019. Sản phẩm đang được thử nghiệm ở hai thị trường Pháp và Mỹ, hướng tới đưa mục tiêu đạt chuẩn chất lượng OCOP 5 sao để xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Chè đã trở thành cây trồng chủ lực giúp xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây trong suốt nhiều năm qua.
Dù mới thực hiện mô hình du lịch trải nghiệm, thế nhưng vườn mận của gia đình anh Phùng Thanh Tiến, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang) đã bắt đầu có tiếng ở huyện. Anh Tiến cho biết, cây mận đã được trồng ở Nà Lạ từ rất lâu, thế nhưng, do chỉ lẻ tẻ mỗi nhà vài cây nên mận không có giá trị kinh tế. Nhận thấy, cây mận thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cho ra những trái mận chất lượng, giòn, thơm và căng mọng so với những trái mận ở khu vực khác, anh Tiến đã đầu tư cải tạo hơn 1 ha đất đồi trồng mận. Nhờ chất lượng quả ngon, sạch nên mận nhà anh rất được giá, có những thời điểm giá tại vườn lên tới 20 - 25.000 đồng/kg. Hình ảnh về một vườn mận trĩu quả, mùa hoa nở trắng cả một vùng trời đã tạo cảm hứng để anh Tiến nghĩ đến một ý tưởng mới là kết hợp trồng trọt với làm du lịch trải nghiệm.
Nghĩ là làm, anh Tiến tự bỏ tiền làm đường cho ô tô, xe máy đi vào tận nơi, xây dựng điểm check-in, làm đường hoa... Hiện, gia đình anh đang xây dựng các nhà chòi phục vụ du khách ngồi uống trà và thưởng thức hoa quả, trái ngọt theo mùa. Anh cũng dự tính xây nhà sàn, nuôi gà, vịt để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách... Anh Tiến bảo, vụ mận này, đã có hơn 400 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Du khách ở nhiều nơi về đây vãn cảnh thác Mơ, thác Pắc Hẩu rồi thăm vườn mận, mua quả về làm quà, chụp ảnh selfie, điều này vô tình giúp anh được hưởng lợi khi chính du khách là những người quảng bá sản phẩm mận Nà Lạ đến bạn bè, người thân.
Nếu trước đây, nói đến nông nghiệp, giới trẻ có vẻ ít mặn mà, nhưng nay thì khác. Nông nghiệp ngày càng có sự hấp dẫn người trẻ, họ tiếp nối các thế hệ đi trước với khát vọng trở thành tỷ phú nông dân. Vườn thanh long rộng hơn 2,5 ha đang chuẩn bị cho thu hoạch là thành quả sau hơn 10 năm ngày đêm chăm lo, học hỏi khắp nơi để phát triển của Trần Văn Thịnh, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam (Sơn Dương).
Nắm bắt xu thế, thị trường đầu vào, đầu ra của thanh long, anh Thịnh lựa chọn phương án phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu dựa trên tiêu chí tiên quyết là chất lượng. Anh Thịnh đầu tư trồng thanh long VietGAP. Anh tham gia thực hiện mô hình ủ phân vi sinh từ rác thải hữu cơ. Từ nguồn phân hữu cơ này, anh tiết kiệm được 40% chi phí phân bón, chất lượng quả được đảm bảo. Song song với việc tổ chức sản xuất, anh Thịnh tận dụng lợi thế mạng xã hội để quảng bá thương hiệu sản phẩm. Anh chú trọng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu riêng cho sản phẩm thanh long. Năm 2021, thanh long ruột đỏ của HTX Hưng Thịnh đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là điều kiện thuận lợi giúp anh đẩy nhanh những dự định đang ấp ủ. Hiện diện tích thanh long của HTX trên 13 ha. Sản lượng trung bình đạt từ 10 - 15 tấn/ha, thu về vài tỷ đồng/năm.
Tích hợp đa giá trị
Từ những mô hình ở Sơn Phú, Hồng Thái (Na Hang), Sơn Nam (Sơn Dương) đã cho thấy Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về nông nghiệp, nông thôn đã thực sự đi vào cuộc sống. Các địa phương ngày càng hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh. Tùy vào lợi thế, đặc thù riêng mà các địa phương có mô hình, hướng đi khác nhau tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc cho nông nghiệp của tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 386 trang trại, 76 liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mang lại giá trị kinh tế lớn cho người nông dân. Các vùng sản xuất hàng hóa được quy hoạch và hình thành trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương, từng khu vực. Cụ thể, chăn nuôi hàng hóa tập trung đã hình thành theo từng vùng như nuôi trâu, lợn đặc sản địa phương tập trung tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên; chăn nuôi bò, lợn siêu nạc, hướng nạc tập trung tại huyện Yên Sơn, Sơn Dương và một số xã của huyện Hàm Yên; vùng cây ăn quả đặc sản được phát triển tại các huyện Hàm Yên, Yên Sơn.
Nhiều địa phương cũng nhân rộng mô hình vườn kiểu mẫu, áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất an toàn; phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Tiêu biểu như các mô hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng sinh thái nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vườn cam, thanh long ruột đỏ, với các sản phẩm OCOP, VietGAP (Hàm Yên); du lịch tham quan, trải nghiệm các vườn lê, vườn mận, ruộng bậc thang Hồng Thái (Na Hang); hái chè ở đồi chè cổ thụ Khau Mút (Lâm Bình)...
Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành đề án triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch nông nghiệp. Nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể nhân dân về phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Gắn phát triển du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa bản địa, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, phát triển sản phẩm OCOP đặc sản của địa phương thông qua việc định hướng cho người dân tổ chức lại sản xuất sản phẩm nông sản... Trong đó, tập trung xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất gắn với lựa chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện sống của từng địa phương phát triển thành sản phẩm đặc trưng.
Trong đó, tiếp tục thực hiện cấp mã số mới cho các vùng trồng cây ăn quả, hình thành vùng nguyên liệu nông sản, đặc sản theo hướng sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ), nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm, số hóa và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.
Gửi phản hồi
In bài viết